Giới thiệu về Tân Uyên, một trong 9 đô thị thuộc tỉnh Bình Dương
Thị xã Tân Uyên là một trong 9 đô thị thuộc hệ thống đô thị của tỉnh Bình Dương, có chức năng là trung tâm kinh tế, chính trị, hành chính, văn hóa – xã hội và an ninh quốc phòng, là đô thị dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Bình Dương và các vùng lân cận.
Vị trí địa lý
Thị xã Tân Uyên nằm ở phía Đông tỉnh Bình Dương, có sông Đồng Nai chảy qua, vị trí địa lý như sau:
– Phía Đông giáp huyện Bắc Tân Uyên và tỉnh Đồng Nai (ngăn cách bởi sông Đồng Nai)
– Phía Nam giáp TP. Dĩ An, Thuận An và thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai;
– Phía Tây giáp TP. Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát.
– Phía Bắc giáp huyện Bắc Tân Uyên;
Thị xã Tân Uyên có diện tích 191,76 km², dân số tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 là 466.053 người[4], mật độ dân số đạt 2.430 người/km².
Hiện nay, TU là thị xã đông dân nhất cả nước và là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất trên cả nước có địa giới hành chính giáp với 4 thành phố trực thuộc tỉnh.
Với vị trí thuận lợi, Tân Uyên có đầy đủ các yếu tố để trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp trong tỉnh Bình Dương và các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Từ Tân Uyên chỉ mất 10 phút để di chuyển tới thành phố Biên Hòa, và 30 phút để di chuyển tới trung tâm thành phố HCM.
Hành chính
Hiện nay thị xã Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 10 phường: Vĩnh Tân, Uyên Hưng, Thạnh Phước, Thái Hòa, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Hiệp Phú Chánh, Khánh Bình, Hội Nghĩa và 2 xã: Thạnh Hội, Bạch Đằng.
Tình hình phát triển kinh tế
Thị xã Tân Uyên là một trong những đô thị trung tâm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bình Dương. Tình hình kinh tế Tân Uyên liên tục tăng trưởng tốt trong vài năm trở lại đây và duy trì ổn định ở mức cao, trung bình đạt trên 13%. Tính đến năm 2020, Tân Uyên đã thu hút gần 4 tỷ USD vốn FDI. Trong cơ cấu kinh tế của Tân Uyên, tỷ trọng công nghiệp chiếm hơn 70%, thương mại – dịch vụ chiếm khoảng 27%. Bình quân mỗi năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 12%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trên 18%.
Sự phát triển của nền kinh tế gắn liền với hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn như Nam Tân Uyên, VSIP II, Phú Chánh, Uyên Hưng… với khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động. Dự án khu công nghiệp VSIP III với tổng diện tích dự kiến 1.000 ha sắp được triển khai sẽ thu hút lượng lớn doanh nghiệp, người lao động đến sinh sống, làm việc. Dự án hiện đang là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư bất động sản.
Lợi thế gần cảng cũng cho phép Tân Uyên phát triển mạnh công nghiệp. Hiện cảng ICD Thạnh Phước và cảng Sà Lan cách cảng Cát Lái 32km, cách KCN Nam Tân Uyên khoảng 8km về phía Đông, cách cụm cảng quốc tế nước sâu Cái Mép, Phú Mỹ 90km cho phép Tân Uyên thu hút đáng kể lượng hàng hóa trung chuyển của khách hàng tại các khu công nghiệp Bình Dương và Bình Phước.
Hạ tầng – giao thông
Tân Uyên có hơn 64 tuyến đường kết nối tới các khu vực trọng điểm của tỉnh Bình Dương và các trung tâm kinh tế của vùng TP.HCM cùng các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài các tuyến đường hiện hữu DT 747, DT 746, DT 746B… được nâng cấp, mở rộng, Tân Uyên còn đầu tư thêm nhiều công trình trọng điểm như đường vành đai 4, đường vành đai trong, đường 30-4, phố đi bộ Tân Uyên, tuyến metro Dĩ An – Tân Uyên, metro thành phố mới Bình Dương – Uyên Hưng – Tân Thành…
Cùng với đó, trong tương lai, cao tốc TP.HCM – Bình Dương – Bình Phước (tổng chiều dài khoảng 69km, quy mô 6-8 làn xe cao tốc) đi ngang qua Tân Uyên sẽ được triển khai trong giai đoạn trước năm 2030. Đặc biệt, tuyến giao thông huyết mạch 13 từ sẽ được nâng cấp từ 6 lên 8 làn xe. Tuyến đường này kết nối Tân Uyên với TP.HCM và Bình Phước qua tuyến đường DT 746. Những công trình này đóng vai trò tạo động lực cho thị xã Tân Uyên phát triển mạnh về mọi mặt.
Về đường sắt, tuyến đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh đi qua thị xã Tân Uyên ở phía Đông Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị Bình Dương, giao cắt với nhiều tuyến đường ngang của thị xã.
Về đường thủy, cảng sông Thạnh Phước thuộc địa bàn có quy mô 64ha, gồm 16 cầu cảng có khả năng tiếp nhận sà lan và tàu từ 1.000-2.000 tấn, công suất bốc dỡ đạt khoảng 5 triệu tấn/năm. Ngoài ra còn có các bến thủy chở khách tại cù lao Thạnh Hội và cù lao Bạch Đằng đáp ứng nhu cầu đi lại và du lịch của người dân.
Phát triển đô thị
Từ khi lên thị xã vào năm 2013, Tân Uyên đã được quy hoạch, đầu tư bài bản nhằm phát triển kinh tế, giao thông, dân cư và thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng chính là nền tảng để thị xã phát triển công nghiệp, dịch vụ và gia tăng các dự án bất động sản tại Tân Uyên.
Năm 2018, thị xã Tân Uyên chính thức được công nhận là đô thị loại III. Đây là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển đô thị của thị xã Tân Uyên, mở ra nhiều cơ hội phát triển về kinh tế và xã hội, đồng thời nâng cao đời sống của người dân. Đây cũng chính là động lực để Tân Uyên tiếp tục triển khai các kế hoạch nâng cấp lên đô thị loại II trong thời gian tới.
Trong giai đoạn 2020-2025, Tân Uyên vẫn tiếp tục là đô thị công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp với vai trò là vị trí trung tâm kết nối TP. Thủ Dầu Một, TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TX. Bên Cát và các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TX. Tân Uyên lần thứ XII, Đảng bộ thị xã đã xây dựng chương trình mang tính đột phá nhằm đưa TX. Tân Uyên đạt đô thị loại II trước năm 2025, phát triển theo hướng đô thị thông minh, nhằm góp phần vào sự phát triển của thị xã Tân Uyên.
Như vậy, trong thời gian tới, thị xã Tân Uyên sẽ được đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, huy động và sử dụng nhiều nguồn lực cho việc đầu tư hạ tầng, khắc phục và giải quyết những tồn tại trong việc xây dựng và phát triển Tân Uyên giai đoạn trước.
Cụ thể, thị xã Tân Uyên tập trung thực hiện công tác quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng và phát triển đô thị, cải tạo và chỉnh trang đô thị, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý đô thị, vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vận dụng các cơ chế và chính sách tỉnh hỗ trợ thị xã, huy động các nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển.
Trước mắt, Tân Uyên tập trung triển khai đầu tư các dự án, công trình giao thông trọng điểm hướng Đông – Tây nhằm kết nối giao thông với các phường ở phía Tây, Tây Bắc của thị xã. Đồng thời, nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường giao thông kết nối khu đô thị mới với khu đô thị hiện hữu. Một số công trình giao thông mới được đầu tư nhằm thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ. Các không gian đô thị được hình thành và phát triển, đảm bảo kết nối các phường trên địa bàn. Thị xã cũng sẽ thực hiện một số dự án bảo vệ môi trường, xây dựng công viên, các công trình dân sinh (bến xe, nhà tang lễ), phủ sóng wifi tại các khu vực công cộng, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển đô thị xanh – thông minh, tạo diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị, nâng cao đời sống người dân.
Nhà ở xã hội phấn đấu đến năm 2023 đạt 26,5%, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động. Tính đến tháng 2/2021, thị xã Tân Uyên đã có 8/10 phường đạt chuẩn văn minh đô thị, 96,54% hộ dân được sử dụng nước sạch, 42,01% đường nhánh, ngõ hẻm có đèn chiếu sáng, 50% tuyến đường được trồng cây xanh, lát đá vỉa hè, tỷ lệ bó cáp viễn thông trong nội ô các phường đạt 58,2%.
Cùng với Bến Cát, Tân Uyên đã được Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất chủ trương xây dựng đề án thành lập thành phố. Theo ông Đoàn Hồng Tươi, chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, đây chính là cơ sở để thị xã tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch chung thị xã Tân Uyên đến năm 2040 và là điều kiện cần để nâng loại đô thị đạt tiêu chí loại II trước năm 2025 và sớm được công nhận là thành phố trực thuộc Bình Dương vào năm 2023.
Tiện ích dịch vụ tại thị xã Tân Uyên
Hệ mầm non và mẫu giáo trên địa bàn:
– Trường mầm non Phú Chánh;
– Trường mầm non Thạnh Hội;
– Trường mẫu giáo Hoa Hướng Dương;
– Trường mẫu giáo Vĩnh Tân.
Các trường tiểu học trên địa bàn:
– Trường tiểu học Phú Chánh;
– Trường tiểu học Thái Hòa A;
– Trường tiểu học Thái Hòa B;
– Trường tiểu học Uyên Hưng;
– Trường tiểu học Tân Hiệp.
Trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn:
– Trường THCS Tân Hiệp;
– Trường THCS Khánh Bình;
– Trường THCS Thái Hòa;
– Trường THCS Hội Nghĩa;
– Trường THCS Lê Thị Trung;
– Trường THCS Tân Phước Khánh.
Các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn:
– Trường THPT Thái Hòa;
– Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ;
– Trường THPT Tân Phước Khánh.
Về cơ sở y tế, Bệnh viện đa khoa Tân Uyên hay Trung tâm y tế thị xã Tân Uyên và Bệnh viện đa khoa An Phước Sài Gòn được phân bố đủ các khoa, phòng chức năng như Nhi, Phụ sản, Răng – hàm – mặt, Tai – mũi – họng, Nội – ngoại khoa, Vật lý trị liệu, Da liễu, Phục hồi chức năng…
Ngoài các chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị mini trên địa bàn thị xã Tân Uyên còn có Trung tâm thương mại Biconsi và Trung tâm thương mại – chợ mới Tân Thành. Những tiện ích này giúp đời sống cư dân tại thị xã trở nên thuận tiện hơn.
Tình hình thị trường bất động sản Tân Uyên
Nằm trong vùng động lực tăng trưởng chính của Bình Dương, hạ tầng giao thông đồng bộ, tốc độ đô thị hóa cùng với chính sách quy hoạch, phát triển rõ ràng và đề án thành lập thành phố Tân Uyên được thông qua giúp Tân Uyên trở thành điểm nóng tăng trưởng mới của thị trường bất động sản Bình Dương.
Bên cạnh đó, Tân Uyên được ví như thỏi nam châm hút lao động trên địa bàn và các vùng lân cận khi thị xã sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn. Cùng với đó là sự đổ bộ của các chuyên gia, kỹ sư trong và ngoài nước, tạo động lực để bất động sản khu vực này tăng giá trị.
Gần đây, các dòng sản phẩm căn hộ chung cư, đất nền, nhà phố thương mại tại các khu đô thị, khu dân cư với quy hoạch bài bản, đi kèm hệ thống tiện ích, pháp lý minh bạch được người mua ở thực và nhà đầu tư quan tâm. Ngưỡng giá bất động sản ở Tân Uyên còn tương đối mềm so với các khu vực đã phát triển trước đó như TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một nên cơ hội an cư và đầu tư cũng dễ dàng hơn.
Theo báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn, năm 2022 nhu cầu tìm kiếm, giao dịch các loại hình bất động sản tại thị trường Tân Uyên có xu hướng tăng khoảng 6% so với cùng kỳ 2021. Cũng trong thời điểm này, số liệu ghi nhận tại những khu vực vốn rất sôi động là TP. Thuận An, Thủ Dầu Một, Dĩ An lại có xu hướng giảm từ 10-21%.
Tài liệu tham khảo từ Wikipedia & Batdongsan.com.vn