phát triển hạ tầng giao thông Bình Dương gắn với đô thị thông minh

Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa ký ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông Bình Dương theo hướng đô thị hóa, xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021–2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hạ tầng giao thông đang được Bình Dương đầu tư mạnh mẽ - cổng chào Bình Dương

Hạ tầng giao thông đang được Bình Dương đầu tư mạnh mẽ – cổng chào Bình Dương

Phát triển giao thông Bình Dương gắn với phát triển đô thị

Theo ông Nguyễn Văn Dành mục tiêu của kế hoạch này là thực hiện Chương trình 42-CTr/TU ngày 02/8/2021 của Tỉnh ủy Bình Dương nhằm: Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống giao đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương – Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương; đảm bảo nhu cầu vận tải, giải quyết các điểm ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trục đường giao thông huyết mạch; tiếp tục triển khai quy hoạch tổng thể hạ tầng giao thông theo hướng bền vững, liên kết ngành, gắn với phát triển đô thị.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là tập trung đầu tư các trục đường giao thông trọng điểm, huyết mạch của tỉnh và của Vùng, tiếp tục đề xuất kiến nghị Trung ương, phối hợp với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đẩy nhanh đầu tư, kết nối các tuyến đường vành đai, cao tốc… Theo quy hoạch Vùng nhằm giảm tải cho các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, nhất là các tuyến kết nối Bình Phước, vùng Tây Nguyên, các Khu công nghiệp phía Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh đến cảng biển, sân bay quốc tế.

Trong giai đoạn 2021-2025, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là các tuyến đường kết nối Vùng, đồng thời tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông đô thị gắn với chỉnh trang đô thị. Trong đó có tuyến nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước Tân Vạn nối dài, đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, Vành đai 3, Vành đai 4 (giai đoạn1)…

Đường Mỹ Phước – Tân Vạn được đầu tư hiện đại giúp lưu thông hàng hóa và kết nối các vùng đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Đường Mỹ Phước – Tân Vạn được đầu tư hiện đại giúp lưu thông hàng hóa và kết nối các vùng đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trong giai đoạn 2025-2030, sẽ hoàn thành cơ bản việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh, từng bước xây dựng các cầu vượt, giao lộ khác mức để nâng cao năng lực thông hành trên các tuyến đường huyết mạch như: xây dựng nút giao Sóng Thần, các dự án đường ven sông, xây dựng cầu Tân An kết nối huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh)….

Giai đoạn sau năm 2030 và định hướng đến năm 2045, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông Bình Dương; nâng cao năng lực lập, triển khai và quản lý quy hoạch, đảm bảo phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trong đó tập trung đầu tư hệ thống đường trên cao, các nút giao khác mức liên thông trên các tuyến đường huyết mạch của tỉnh; đa dạng hóa các phương thức, các loại hình giao thông trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đối với đường bộ, hoàn thành các dự án giao thông trục Bắc – Nam, Đông – Tây mang tính liên kết vùng theo quy hoạch của Trung ương đã được triển khai ở giai đoạn trước, tiếp tục đầu tư phát triển đường trên cao, nút giao khác mức liên thông trên các giao thông huyết mạch; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm logistics, các cảng cạn (ICD), các bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa; xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông thông minh tỉnh Bình Dương, chuyển đổi số trong quản lý giao thông vận tải.

Đối với đường thủy nội địa, đầu tư và kêu gọi đầu tư hoàn thiện các đường giao thông kết nối với cảng thủy nội địa, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cảng thủy nội địa đảm bảo quy mô theo quy hoạch.

Quốc lộ 13 – Tuyến giao thông huyết mạch của Bình Dương kết nối Thành phố Ồ Chí Minh với Tây Nguyên.

Quốc lộ 13 – Tuyến giao thông huyết mạch của Bình Dương kết nối Thành phố Ồ Chí Minh với Tây Nguyên.

Đối với đường sắt, phấn đấu xây dựng và đưa vào vận hành dự án kéo dài tuyến Đường sắt đô thị số 1 từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng, tạo tiền đề xây dựng hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị của tỉnh theo quy hoạch, đa dạng hóa phương thức vận tải hành khách công cộng; kêu gọi nhà đầu tư và xây dựng hoàn thành tuyến đường sắt công nghiệp từ Khu công nghiệp Bàu Bàng đến cảng Cái Mép – Thị Vải.

Nhiệm vụ cụ thể từng ngành

Kế hoạch này nhằm tập trung phát triển hạ tầng giao thông Bình Dương theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác quy hoạch là tập trung xây dựng và hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng bộ và phù hợp với mục tiêu, định hướng của chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với các nội dung định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Kinh tế trong điểm phía Nam; đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, nguồn lực của tỉnh và khả năng huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, nâng cao công tác triển khai, quản lý quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh ảnh hưởng đến định hướng quy hoạch ban đầu.

Theo ông Nguyễn Văn Dành – Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải Bình Dương phải đồng bộ và phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của quốc gia, gắn kết với quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh, thành phố lân cận; đồng thời quy hoạch giao thông vận tải cần gắn kết đồng bộ, hiệu quả với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị đảm bảo tính liên kết và kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông vận tải của tỉnh và của quốc gia đáp ứng nhu cầu giao thông, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, khi xây dựng các tuyến giao thông thì sử dụng quỹ đất hai bên tuyến đường để làm quỹ đất cho nhiệm vụ chỉnh trang đô thị, thuận lợi cho công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, tạo mỹ quan đô thị.

Tuyến đường vành đai đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương.

Tuyến đường vành đai đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương. (Hạ tầng giao thông Bình Dương)

Nguồn lực để thực hiện kế hoạch này là vận dụng cơ chế chính sách hiệu quả nhằm đầu tư hoàn thiện và tạo quỹ đất dọc hai bên tuyến đường mới hình thành như các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng, dự án hạ tầng giao thông tạo lực phát triển nội tỉnh, các dự án giải quyết điểm nghẽn giao thông.

Đồng thời, việc đầu tư các trục đường giao thông trọng điểm, kế hoạch phát triến kinh tế xã hội và quy hoạch xây dựng chung đô thị của địa phương, hạ tầng giao thông đô thị cần tập trung đầu tư nâng cấp, chỉnh trang đảm bảo quy mô phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và quy hoạch chung đô thị; Ưu tiên đầu tư theo thứ tự: đường trục chính đô thị, đường trục đô thị, đường phân khu vực, đường khu vực đảm bảo tính kết nối lan tỏa, rộng khắp, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông đô thị.

Kết hợp với nâng cấp hạ tầng giao thông đô thị, chỉnh trang đô thị, tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong từng đô thị tích hợp sử dụng chung cho mạng lưới điện, thông tin truyền thông, hệ thống thoát nước, cấp nước… theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, sạch đẹp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Các Sở, ngành và UBND huyện, thị, thành phố, căn cứ theo chức năng nhiệm vụ triển khai công tác quy hoạch ngành và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện hiện đầu tư đúng theo quy định pháp luật.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Dương cũng giao Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về khả năng đấu nối ở các nút giao thông trên tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, Mỹ Phước – Tân Vạn, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đi qua địa bàn tỉnh để tạo kết nối giao thông thuận tiện phát huy lợi thế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Theo Baoxaydung

5/5 - (95 bình chọn)