10 địa phương có thu nhập bình quân cao nhất năm 2022 – Bình Dương dẫn đầu
Mục lục
Trong bảng xếp hạng 10 địa phương có thu nhập bình quân cao nhất năm 2022, Hà Nội đứng thứ hai với 6,423 triệu đồng/người/tháng. TP. HCM ở vị trí thứ ba với 6,392 triệu đồng/người/tháng, đứng đầu tiên là tỉnh Bình Dương
Top 10 địa phương có thu nhập bình quân cao nhất năm 2022
Dựa theo kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, với thu nhập bình quân 8,076 triệu đồng/người/tháng.
Hà Nội đứng thứ hai với 6,423 triệu đồng/người/tháng. TP. HCM ở vị trí thứ ba với 6,392 triệu đồng/người/tháng. Theo sau là các tỉnh có thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng là Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Nam Định.
Theo báo cáo, thu nhập bình quân tháng đầu người năm 2022 theo giá hiện hành cả nước đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021. Năm 2022 là năm đánh dấu sự khôi phục về kinh tế và tình hình đời sống dân cư. Sau 2 năm 2019 và 2020, thu nhập bình quân đầu người giảm liên tiếp do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 quay trở lại xu hướng tăng như các năm từ 2019 trở về trước.
Thu nhập tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân tháng đầu người năm 2022 ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng (tăng 10,4 điểm % so với năm 2021) cao gấp 1,54 lần thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng (tăng 10,8 điểm % so với năm 2021).
Trong 6 vùng, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân tháng đầu người năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng). Vùng có thu nhập bình quân tháng đầu người thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,17 triệu đồng).
Báo cáo cũng chỉ ra nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 10,23 triệu đồng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất – nhóm 1).
Trong năm 2022, thu nhập bình quân tháng đầu người từ tiền lương tiền công đạt 2,6 triệu đồng (tăng 8,2 điểm %), thu từ nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 0,47 triệu đồng (tăng 4,3 điểm %), thu từ phi nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1,1 triệu đồng (tăng 15,9 điểm %), thu từ các nguồn thu khác đạt 0,5 triệu đồng (tăng 24,7 điểm %).
Cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày cảng giảm, từ 20,1% năm 2010 xuống 10,8% năm 2021 và còn 10,1% năm 2022.
Ngược lại, tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng so với năm 2019, 2020 và 2021 (34,7% so với 33,4%, 33,3% và 32,5%). Tỷ trọng các khoản thu từ tiền lương, tiền công có giảm nhẹ so với năm 2021 (giảm 1,5%) nhưng vẫn duy trì ở mức cao (55,2%). Điều này cho thấy rằng, sau đại dịch các hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản có sự phục hồi nhanh chóng.
Theo báo nhịp sống kinh tế